BÁT NHÁO NHƯ DẠY TIẾNG ANH.. Ở TRƯỞNG TIỂU HỌC, MẦM NON

Trong khi Bộ Giáo dục và Đào tạo còn đang nghiên cứu thí điểm dạy tiếng Anh từ lớp 3 thì ở những thành phố lớn, các trường đã “nhanh chân” liên kết với các trung tâm ngoại ngữ để dạy tiếng Anh cho học sinh ngay từ lớp 1, thậm chí từ bậc mầm non. 

Việc này đã phần nào đáp ứng được nhu cầu của phụ huynh khi tiếng Anh đang ngày càng trở nên quan trọng trong đời sống xã hội hiện đại và bố mẹ nào cũng mong con giỏi ngoại ngữ. 

Tuy nhiên, sự lỏng lẻo trong công tác quản lý đã khiến cho ở một số trường, chất lượng giảng dạy thấp, không mang lại hiệu quả, gây bức xúc trong phụ huynh.

Phóng viên Vietnam+ đã tìm hiểu và phản ánh vấn đề này qua loạt bài Bất cập tiếng Anh liên kết ở bậc mầm non, tiểu học nhằm cung cấp thông tin rõ hơn cho bạn đọc về vấn đề này.

Bài 1: Bát nháo như… dạy tiếng Anh ở tiểu học, mầm non 

Dạy tiếng Anh liên kết ở mỗi trường một chương trình, mỗi nơi một cách thức dạy và vì thế, mỗi trường lại có mức học phí khác nhau. Nói như cô Lê Thanh Hà, Hiệu phó trường Tiểu học Bình Minh (Hoàn Kiếm), giáo dục tiếng Anh ở các bậc học này đang theo kiểu “trăm hoa đua nở”.

Trường trường liên kết

Cô Hà cho biết, trong xã hội hiện đại, tiếng Anh ngày càng trở thành chìa khóa quan trọng hàng đầu để mở ra mọi cánh cửa nên bố mẹ nào cũng mong con sớm trở thành “công dân toàn cầu”. 

Phụ huynh có “cầu” thì trường phải có “cung” để thu hút người học. Nhưng do tiếng Anh chỉ là môn tự chọn, số lượng giáo viên tiếng Anh hạn chế, mỗi trường chỉ có một đến hai giáo viên ngoại ngữ biên chế nên hầu hết các trường đều phải liên kết với các trung tâm ngoại ngữ để thực hiện hoạt động này.

Ở bậc tiểu học, có 6 chương trình được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội thẩm định và cho phép đưa vào trường học, gồm Phonics, Victoria, DynEd, Language Link, BME Kids, Washington.

Theo thống kê sơ bộ của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, hiện có 395 trường tiểu học ở Hà Nội có liên kết với các trung tâm để dạy tiếng Anh cho học sinh. Tùy từng chương trình và việc dạy bằng giáo viên người Việt hay giáo viên bản ngữ, mức học phí mỗi trường thu cũng khác nhau.

Trường Tiểu học Bình Minh (Hoàn Kiếm) có một giáo viên tiếng Anh trong khi có tới 14 lớp, với hơn 30 tiết mỗi tuần. Quá tải, trường phải nhờ đến đối tác bên ngoài để dạy tiếng Anh cho học sinh. Cụ thể, ở lớp 1 và 2 học theo chương trình Phonics với học phí 80.000 đồng/tháng, nhưng từ lớp 3 đến lớp 5 học theo chương trình Let’s go do Trung tâm Giáo dục Bình Minh đảm nhiệm, học phí là 100.000 đồng/tháng.

Cũng triển khai dạy chương trình Phonics ở lớp 1 và 2 còn có rất nhiều trường như Tiểu học Trung Văn (Từ Liêm), Tiểu học Thái Thịnh (Đống Đa), Tiểu học Khương Thượng (Đống Đa)… 

Trường Tiểu học Ngọc Lâm, Tiểu học Ngọc Thuỵ (Gia Lâm), Tiểu học Hoàng Diệu lại liên kết với Trung tâm Language Link. Chương trình này có giáo viên bản ngữ đứng lớp nên học phí cũng cao hơn nhiều, lên đến 6 triệu đồng mỗi năm. Cũng do học phí cao nên nếu ở Tiểu học Bình Minh, 100% học sinh đề học tiếng Anh liên kết thì ở những trường này, chỉ một số lớp tham gia.

Không chỉ tiểu học, tiếng Anh còn được đưa vào cả bậc mầm non, đặc biệt là các trường tư thục, như trường mầm non Hoa Trà My (Cầu Giấy) , trường Mầm non Hoàng Diệu – Victoria (Hoàng Mai), Mầm non Colorhouse (Thanh Xuân)…

“Vừa đá bóng, vừa thổi còi”

Thuê trọn gói từ chương trình đến giáo viên, khoán từ việc dạy đến thi cử nên việc dạy tiếng Anh liên kết chẳng khác nào giao cho đối tác “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Mặc dù các chương trình dạy, các Trung tâm đều đã được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội kiểm định chất lượng, nhưng từ chất lượng ở trên hồ sơ đến triển khai thực tế giảng dạy tại trường lại là hai việc hoàn toàn khác nhau.

Cô Lê Thanh Hà cho biết trường phối hợp với Trung tâm Giáo dục Bình Minh để dạy tiếng Anh cho học sinh. Trung tâm cử người phụ trách toàn bộ, từ giáo viên giảng dạy đến việc ra đề thi kiểm tra chất lượng.

“Trường có yêu cầu trung tâm ký cam kết đảm bảo chất lượng và có tổ chức giám sát,” cô Hà nói.

Tuy nhiên, cô Hà cũng thừa nhận thực tế là các cán bộ quản lý trường học hiện nay trình độ tiếng Anh còn hạn chế. Trong khi đó, đây là môn tự chọn, chưa có chương trình chuẩn, chưa có yêu cầu chung về chuẩn kiến thức kỹ năng nên việc kiểm tra đánh giá cũng còn nhiều bất cập.

Năm học 2011-2012, Trường Tiểu học Bình Minh đã buộc một giáo viên của Trung tâm phải nghỉ dạy, đổi giáo viên khác vì chất lượng không đảm bảo. Tuy nhiên, phát hiện sự việc này lại là học sinh, phụ huynh chứ không phải nhà trường. 

Cũng khoán trọn gói, trường Tiểu học Ngọc Lâm (Long Biên) phối hợp với trung tâm Language Link. Giáo viên của Trung tâm đến dạy, ra đề và kiểm tra đánh giá chất lượng.

Theo cô Lê Thanh Hà, vẫn biết đây cũng là một trong những điều bất ổn, nhưng trường cũng không biết phải làm cách nào vì không có đủ giáo viên. Để phụ trách được toàn bộ việc dạy cho các khối lớp, từ lên chương trình đến thi cử, phải có nhiều giáo viên, trong đó có giáo viên cứng nghề. Cách đây khoảng 3 năm, trường cũng có một giáo viên tiếng Anh rất giỏi, nhưng vì không được biên chế nên cô này đã chuyển sang trường khác. Cũng từ đó, trường mới liên kết với trung tâm tiếng Anh.

Tình trạng để đơn vị đối tác “vừa đá bóng, vừa thổi còi” không chỉ diễn ra ở một mà rất nhiều trường. Thế nên mới có chuyện thật như đùa là trung tâm tiếng Anh gửi nhầm kết quả học của học sinh này cho học sinh khác, học sinh chẳng biết gì nhưng vẫn nhận kết quả tốt./.
 

Tin cùng danh mục

0983.602.553